Phong Nặm là một xã của huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Xã có khu bảo tồn sinh cảnh với mục tiêu bảo tồn loài vượn đen quý hiếm Cao Vít ở cả hai xã Phong Nặm và Ngọc Khuê. Nông dân tại xã Phong Nặm đã trồng ngô từ rất nhiều đời nay mặc dù thực tế cho thấy việc trồng ngô không mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hội thảo đầu bờ mô hình canh tác gừng bền vững tại Cao Bằng

Trong khi đó các cánh đồng ngô lại là nguồn thức ăn chính của loài vượn đen Cao Vít, đặc biệt là các bản nằm sát khu bảo tồn. Người dân ở những bản này đã phải chịu thiệt hại đáng kể về kinh tế vì điều này. Vì vậy loài vượn Cao Vits có nguy cơ bị săn bắt rất cao.

Việc trồng gừng hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế cao cũng như bảo vệ môi trường. Chính vì vậy trong một vài năm trở lại đây, việc canh tác gừng hữu cơ đã trở nên phổ biến ở Cao Bằng, giảm sự phụ thuộc sinh kế vào rừng. Với mục tiêu giới thiệu mô hình canh tác gừng bền vững tới người dân tại xã Phong Nặm, ngày 8/12/2021, Dự án Biotrade vùng – giai đoạn II (Biotrade SECO) đã phối hợp với Công ty TNHH phát triển Nông nghiệp và tư vấn Môi trường (Dace Farm) và FFI  tổ chức hội thảo đầu bờ.

Tại Hội thảo, nhóm nông dân tại xã Phong Nặm đã được giới thiệu về mô hình canh tác gừng đang được triển khai tại xã Nội Thôn, huyện Hà Quảng. Họ cũng được tìm hiểu về cơ chế hợp tác và mua bán với đại diện của DACE. Sau hội thảo, các nông dân của xã Phong Nặm đã sơ bộ hiểu biết về kỹ thuật và hiệu quả kinh tế của việc canh tác gừng bền vững. Họ bày tỏ mong muốn được hỗ trợ để tham gia mô hình. Dự án Biotrade SECO, tổ chức FFI và công ty DACE cam kết đồng hành cùng người nông dân trong các bước tiếp theo để triển khai mô hình.

Dự án Biotrade vùng – giai đoạn II do Cục Kinh tế Liên bang Thuỵ sĩ (SECO) tài trợ và được Trung tâm Phát triển Kinh tế Nông thôn – CRED triển khai hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm bền vững từ các nguyên liệu tự nhiên của Việt Nam.