Nông sản hữu cơ đã và đang là xu hướng phát triển tất yếu toàn cầu. Việt Nam cũng đang chuyển mình mạnh mẽ để bắt kịp xu thế cũng như đạt được mục tiêu trong top 15 Thế giới về nông nghiệp hữu cơ theo đề án ‘’Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai 2020 – 2030’’ mà Chính phủ đã phê duyệt ngày 23/06/2020. Hiện nay, trồng trọt hữu cơ đã triển khai tại hơn 40/63 tỉnh thành của Việt Nam với tổng diện tích khoảng 23.400 ha, trong đó khoảng 97,5% diện tích được chứng nhận EU, NOP, JAS.

Mới đây, các tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế, đặc biệt là EU và USDA-NOP đã có những thay đổi nhằm gia tăng sự minh bạch, đảm bảo cạnh tranh công bằng hơn và hướng đến nâng cao lòng tin của người tiêu dùng tại quốc gia, khu vực và toàn cầu. Những thay đổi này được cho là đem lại sự công bằng cho các nhà sản xuất tại Mỹ và EU nhưng lại tạo ra những thách thức mới cho các nhà sản xuất còn lại trên Thế giới, trong đó có Việt Nam. Hãy cùng xem xét những thay đổi chính của các tiêu chuẩn

1. EU Organic

Quy định (EU) Reg. 2018/848 ban hành ngày 30/05/2018, hiệu lực từ 01/01/2022 đối với trong EU và 01/01/2025 đối với ngoài EU. Mục tiêu thay đổi để nhằm đạt 25% diện tích nông nghiệp hữu cơ trên toàn EU. Các thay đổi chính của tiêu chuẩn bao gồm

Các thay đổi về nguyên tắc chung

  • (1) Tôn trọng các chu trình và hệ thống tự nhiên cũng như là duy trì, nâng cao hiện trạng của đất, nước, không khí, sức khỏe của động vật, thực vật và cân bằng giữa chúng.
  • (2) Bảo tồn các yếu tổ cảnh quan tự nhiên như các khu di sản thiên nhiên;
  • (3) Sử dụng tài nguyên thiên nhiên và năng lượng có trách nhiệm như đất, nước, các vật chất hữu cơ và không khí;
  • (4) Sản xuất nhiều loại thực phẩm chất lượng cao cùng như các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Các sản phẩm hữu cơ này được sản xuất bằng cách sử dụng các quy trình không gây hại cho môi trường, sức khỏe con người và phúc lợi động vật.
  • (5) Đảm bảo tính toàn vẹn của sản xuất hữu cơ ở tất cả các giai đoạn sản xuất, sơ chế, chế biến, phân phối thực phẩm và thức ăn chăn nuôi.
  • (6) Quản lý và thiết kế thích hợp quá trình sinh học, dựa trên các hệ thống sinh thái và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên bên trong hệ thống quản lý;
  • (7) Hạn chế sử dụng các yếu tố đầu vào từ bên ngoài

Xem thêm chi tiết tại Chương 5 – Quy định (EU) Reg.2018/848

Phạm vi áp dụng

Sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm gắn liền với sản xuất nông nghiệp (Ví dụ: Muối, Tinh dầu,…) theo danh mục sản phẩm tại Phụ lục I của Hiệp ước về các chức năng của Liên minh châu Âu (TFEU)

Lĩnh vực hoạt động

Bổ sung thêm phần Vận chuyểnThị trường/Phân phối trong chứng nhận khâu/chuỗi cung ứng. Đây là thay đổi của quy định (EU) Reg.2018/848 so với quy định (EC) 348/2007.

Theo quy định mới, các chứng nhận hữu cơ EU sẽ bao gồm: Sản xuất, Chuẩn bị (đóng gói, ghi nhãn), Bảo quản, Vận chuyển, Nhập khẩu, Xuất khẩu, Thị trường/Phân phối.

Chứng nhận theo nhóm

Tập hợp các nhà sản xuất quy mô nhỏ (Nhóm nhà sản xuất) chỉ được chứng nhận khi đáp ứng các yêu cầu sau:

  • Là tập hợp của các nhà sản xuất gần nhau về địa lý (tối đa là cùng quốc gia) và không trùng lặp chứng nhận
  • Số lượng thành viên không quá 2.000. Các thành viên khi tham gia nhóm sản xuất phải đăng ký và được quản lý ICS của nhóm sản xuất phê duyệt
  • Nhóm sản xuất phải có tư cách pháp nhân, được thành lập và vận hành có hiệu lực Hệ thống kiểm soát nội bộ (ICS) đáp ứng: Quản lý thành viên (đăng ký, phê duyệt); Đào tạo và cập nhật; Đánh giá nội bộ định kỳ; Kiểm soát tài liệu, hồ sơ nhóm; Sẵn có các thủ tục giải quyết không tuân thủ; Truy xuất nguồn gốc; đặc biệt phải có chính sách đánh giá rủi ro và thực hiện đánh giá định kỳ hoặc khi có thay đổi.

Các nhà sản xuất quy mô nhỏ, theo quy định của EU Organic:

  • Không bao gồm nhà chế biến và thương nhân
  • Nhỏ về vùng sản xuất: không quá 5 ha cánh đồng mở; không quá 0,5 ha nhà lưới; không quá 15 ha đồng cỏ lâu năm; và/hoặc
  • Nhỏ về quy mô kinh tế: Doanh thu từ sản phẩm hữu cơ không quá 25.000 EUR/năm hoặc doanh thu từ sản phẩm hữu cơ chứng nhận không quá 15.000 EUR/năm.

Vật liệu nhân giống (PRM)

Các thực vật, bộ phận của thực vật và hạt tại bất kỳ giai đoạn phát triển nào có khả năng ra cây trồng hoàn chỉnh. Cơ sở dữ liệu của PRM khi đăng ký được các quốc gia thành viên cập nhật trên hệ thống. Một số ngoại lệ có điều kiện đi kèm như: PRM trong giai đoạn chuyển đổi, PRM trồng hữu cơ, PRM không hữu cơ trong điều kiện nghiêm ngặt được phê duyệt (chính thức không được sử dụng từ 01/01/2037). PRM Hữu cơ phải đảm bảo tối thiểu 1 thế hệ (cây ngắn ngày) hoặc 2 mùa sinh trưởng (cây lâu năm). Có thể bán PRM đang chuyển đổi nếu đã trải qua tối thiểu 12 tháng.

Sản xuất song song

Đối với cây trồng lâu năm có đặc tính cùng giống hoặc khác giống nhưng khó phân biệt bằng hình thức bên ngoài thì bắt buộc phải chuyển đổi hoàn toàn trong vòng 2 năm kèm theo yêu cầu: Phải đảm bảo tách biệt vĩnh viễn sản phẩm từ mỗi đơn vị sản xuất liên quan. Phải thông báo cho tổ chức chứng nhận trogn 48 giờ trước thời điểm thu hoạch. Phải báo cáo cho tổ chức chứng nhận số lượng chính xác từng loại sản phẩm. Không sản xuất song song hạt nảy mầm / rau mầm.

Dinh dưỡng đất

Phải đảm bảo và bắt buộc phải trồng cây họ đậu, cây che phủ hoặc cây phân xanh luân canh / xen canh với cây trồng chính

Quản lý dịch hại

Được phép khử trùng sinh học. Một số quá trình nhiệt được phép sử dụng với phương pháp và điều kiện cụ thể. Ví dụ: Xử lý bằng hơi cạn nhưng độ sâu tối đa là 10cm

Công nhận hồi tố

Chỉ đăng ký khi chứng minh được thửa đất là tự nhiên hoặc không xử lý hóa chất tối thiểu 3 năm trở lên. Phải cung cấp đầy đủ hồ sơ, ít nhất gồm: Bản đồ xác định thửa đất; Thông tin về thửa đất; Lịch sử canh tác trên thửa đất và không lượng sản xuất và bất kỳ tài liệu / hồ sơ nào khác được cho là cần thiết.

2. USDA-NOP

Quy định về tăng cường thực thi hữu cơ được ban hành 19/01/2023, hiệu lực từ 20/03/2023 và chính thức thực hiện từ 19/03/2024 với mục tiêu tăng cường giám sát và thực thi việc sản xuất, chế biến và bán các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ nhằm mục đích bảo vệ tính toàn vẹn hữu cơ và xây dựng lòng tin người tiêu dùng thông qua tăng cường kiểm soát, cải thiện truy xuất nguồn gốc trong toàn bộ chuỗi cũng ứng. Các thay đổi chính bao gồm

Các đối tượng bị điều chỉnh

Chứng nhận nhiều chủ thể hơn tại các liên kết quan trọng trong chuỗi cung ứng hữu cơ, cụ thể:

  • Cá nhân/tổ chức đang xem xét chứng nhận hữu cơ;
  • Hoạt động sản xuất và chế biến đang được chứng nhận hữu cơ;
  • Nhà môi giới, thương nhân và nhà nhập khẩu chưa được chứng nhận hữu cơ;
  • Vận chuyển và lưu trữ sản phẩm hữu cơ (Logistic);
  • Nhà bán lẻ sản phẩm hữu cơ;
  • Tiếp nhận hoặc xem xét giấy chứng nhận hoạt động hữu cơ;
  • Các tổ chức chứng nhận, đánh giá viên;
  • Nhập khẩu và/hoặc xuất khẩu sản phẩm hữu cơ vào Hoa Kỳ.

Giấy chứng nhận nhập khẩu hữu cơ

Áp dụng giấy chứng nhận nhập khẩu NOP đối với mọi sản phẩm hữu cơ nhập khẩu vào Mỹ

Nhận diện

Yêu cầu nhận dạng hữu cơ trên các thùng/kiện chứa không bán lẻ

Giám sát định kỳ

Tăng cường kiểm tra tại hiện trường, trong đó kiểm tra không báo trước tối thiểu 5%. Phải đảm bảo kiểm tra toàn diện cân bằng khối lượng và truy xuất nguồn gốc

Giấy chứng nhận hữu cơ

Thống nhất thông tin giấy chứng nhận hữu cơ và cấp từ cơ sở dữ liệu hữu cơ của USDA

Cập nhật thông tin

Các bên phải báo cáo và cập nhật các thay đổi thường xuyên hơn, đặc biệt là các thay đổi về đình chỉ, hủy bỏ phải trong 72 giờ

Truy xuất nguồn gốc

Yêu cầu thực hiện hiệu quả truy xuất nguồn gốc, lưu trữ hồ sơ và các thủ tục ngăn ngừa gian lận

Nhóm nhà sản xuất

Chứng nhận nhóm nhà sản xuất được tăng cưỡng thông qua năng lực của hệ thống kiểm soát nội bộ (ICS), cụ thể:

  • Phải thiết lập cá tiêu chí hoạt động rõ ràng (thủ tục kết nạp, chính sách bảo vệ, hỗ trợ kỹ thuật, kiểm tra cân bằng khối lượng, truy xuất nguồn gốc);
  • Có tư cách pháp nhân;
  • ICS có chức năng, nhiệm vụ rõ ràng; thực hiện kiểm soát và đánh giá nội bộ định kỳ.

Với các thay đổi của EU Organic và USDA-NOP cho thấy yêu cầu về nông nghiệp hữu cơ đã ngày một chặt chẽ hơn, rõ ràng hơn từ quy mô của nhà sản xuất, năng lực của nhóm nhà sản xuất, các bên liên quan trong chuỗi cung ứng cho đến trách nhiệm giám sát của các tổ chức chứng nhận, trách nhiệm đảm bảo tính minh bạch từ các bên. Đây sẽ là thách thức không nhỏ với các tổ chức / doanh nghiệp Việt Nam. Điều cần đặc biệt quan tâm và thực hiện lúc này chính là việc quy hoạch và nâng cao năng lực cho các nhóm nhà sản xuất quy mô nhỏ (nông hộ) để kịp đáp ứng các yêu cầu của tiêu chuẩn bên cạnh các yêu cầu khác về vật liệu nhân giống, sản xuất song song, quản lý dinh dưỡng đất, dịch hại và truy xuất nguồn gốc.