Tại sao có EUDR

Châu Âu là một trong những thị trường nhập khẩu lớn nhất các mặt hàng liên quan đến nạn phá rừng, trong đó có khoảng 50% cà phê và 60% cacao của thế giới, ước tính gây ra 25% tổn thất về độ che phủ cây của toàn cầu từ năm 2001-2025. Quy định về luật chống phá rừng của EU ( sau đây gọi tắt là EUDR) là sáng kiến mới của EU từ kết quả nghiên cứu dấu vết chặt phá rừng từ năm 2013. Quy định này trải qua giai đoạn pháp lý hóa từ tháng 11 năm 2021 đến ngày 29 tháng 6 năm 2023 chính thức có hiệu lực.

Picture1 (1)

Lộ trình ra đời, có hiệu lực và chính thức áp dụng của EUDR (Nguồn: Initiative for Sustainable Agricultural Supply Chains (INA) – Franziska Rau )

EUDR là quy định nhằm hạn chế nạn phá rừng do các hoạt động lâm nghiệp và nông nghiệp trên toàn thế giới và cũng là một phần kế hoạch đã được EU xác nhận trong Thỏa thuận xanh châu Âu, chiến lược Đa dạng sinh học của EU đến 2030 và chiến lược từ Trang trại đến Bàn ăn.

Quy định đặt ra các quy tắc thẩm định bắt buộc đối với tất cả các nhà khai thác và nhà thương mại cung cấp hoặc xuất khẩu từ thị trường châu Âu. Quy định này áp dụng cho các sản phẩm, trước mắt áp dụng đối với 7 ngành hàng gồm: cà phê, ca cao, đậu nành, dầu cọ; gia súc (thịt bò, da bò); cao su, gỗ và các sản phẩm từ gỗ (như giấy in, đồ nội thất,…)

Lộ trình tiếp theo, các doanh nghiệp quy mô lớn có thời gian chuyển tiếp và chính thức áp dụng từ cuối 2024 (tương đương 18 tháng), trong khi đó các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ sẽ có thời gian chuyển tiếp và chính thức tuân thủ từ giữa 2025 (tương đương 24 tháng). Trong quá trình này, EU sẽ có lộ trình đối sánh để đảm bảo thống nhất các vấn đề liên quan đến quy định với các khu vực, quốc gia trên Thế giới.

Mục tiêu của EUDR

  • Giảm tác động của EU vào phát thải khí nhà kính và suy giảm đa dạng sinh học toàn cầu;
  • Giảm tác động của EU vào nạn phá rừng và gây suy thoái rừng toàn cầu

Thông qua quy định này, EU hướng đến:

  • Đảm bảo các sản phẩm (trong danh mục) được bán và tiêu thụ tại thị trường châu Âu không góp phần vào nạn phá và làm suy thoái rừng toàn cầu và nạn phá rừng do mở rộng sản xuất nông nghiệp;
  • Giảm thiểu ít nhất 32 triệu khí thải carbon/năm từ việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tại thị trường châu Âu.

Các đối tượng bị EUDR tác động

  • Các nhà khai thác sản phẩm trực tiếp (Operators) và nhà thương mại (Traders)
  • Tất cả các sản phẩm được đưa vào thị trường EU (nhập khẩu / sản xuất tại EU và phân phối trên thị trường nội bộ EU) và xuất khẩu từ EU
  • Các công ty nhập khẩu tại thị trường EU phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thẩm định như hình dưới đây:

Picture2

Trách nghiệm thực thi EUDR

Quy định EUDR được cụ thể hóa với 10 yêu cầu và 48 tiêu chí tuân thủ, gồm:

  1. Quyền sử dụng đất;
  2. Bảo vệ môi trường;
  3. Quyền của người lao động;
  4. Quyền con người;
  5. Thuế, phí;
  6. Chống tham nhũng;
  7. Quản lý rừng bền vững (tập trung vào chống phá rừng và làm suy thoái rừng);
  8. Truy xuất nguồn gốc;
  9. Quản lý rủi ro;
  10. Các biện pháp giảm thiểu;

Nói chung, các nhà sản xuất, nhà khai thác và các nhà thương mại cần đáp ứng 3 yếu tố chính dưới đây:

  1. Chứng minh không phá rừng: Tính từ 31/12/2020 trên cơ sở hiện trạng rừng do EU công bố thông qua hệ thống định vị và truy xuất nguồn gốc đối với từng thửa đất (định vị trung tâm đối với thửa đất dưới 4ha; định vị đa giác đối với thửa đất trên 4ha);
  2. Tuân thủ các quy định pháp luật nước sở tại (quyền sử dụng đất, bảo vệ môi trường, thuế, quyền con người, quyền của người lao động,…);
  3. Đánh giá rủi ro và biện pháp giảm thiểu.

EUDR sẽ được thực thi như thế nào?

  • Tạo ra một hệ thống chuẩn, trong đó phân cấp độ rủi ro liên quan đến chặt phá và làm suy thoái rừng (thấp, trung bình, cao) theo quốc gia.
  • Các cấp độ này sẽ xác định tỷ lệ kiểm tra (rủi ro cao: 9%; rủi ro tiêu chuẩn: 3% và rủi ro thấp: 1%) cũng như đánh giá mức độ tuân thủ luật 1 cách chặt chẽ và phức tạp. Chi phí thẩm định sẽ thay đổi tùy vào mức độ rủi ro.
  • EU sẽ kiểm soát thông qua một hệ thống thông tin điện tử (do EU COM điều hành) chung và các quốc gia thành viên đều có thể nắm bắt các thông tin liên quan về sản phẩm, ví dụ tọa độ địa lý nước sản xuất,…
  • Dữ liệu ẩn danh sẽ được cung cấp rộng rãi để thúc đẩy tính minh bạch.
  • Áp dụng mức phạt ít nhất 4% tổng doanh thu tại thị trường châu Âu; có thể xem xét gia tăng hình phạt bao gồm loại trừ tạm thời khỏi các gói mua sắm công và tiếp cận nguồn vốn công (tối đa 12 tháng); có thể tạm thời cấm nhập khẩu vào thị trường EU / xuất khẩu từ thị trường EU tùy thuộc vào mức độ vi phạm.
  • EU sẽ định kỳ thực hiện đánh giá và xếp hạng rủi ro theo cấp quốc gia hoặc vùng lãnh thổ dựa trên:

+ Tỷ lệ mất rừng và suy thoái rừng;

+ Tỷ lệ mở rộng diện tích canh tác nông nghiệp cho các ngành hàng liên quan;

+ Xu hướng sản xuất các ngành hàng, sản phẩm liên quan

  • EU thu thập và xem xét thêm các thông tin được cung cấp bởi các quốc gia sản xuất ngành hàng (thông qua chính phủ, các NGO, các hiệp hội, các doanh nghiệp và các bên khác); các hiệp định hay thỏa thuận về chống phá rừng và suy thoái rừng (giữa EU và các quốc gia); Luật pháp liên quan; tính minh bạch và các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hoặc Hội đồng EU áp đặt (nếu có).
  • EU sẽ có lộ trình xem xét và cập nhật trong 5 năm tiếp theo kể từ khi quy định có hiệu lực, trong đó:

+ 2 năm đầu: Đánh giá tác động kèm theo các đề xuất mở rộng ngành hàng áp dụng (như: Ngô, Nhiên liệu sinh học..)

+ 5 năm đầu: Tiến hành đánh giá chung (theo quy định của EU), các đề xuất về: Bổ sung công cụ thương mại, tác động đối với nông dân (đặc biệt là quy mô nhỏ); xác định ngưỡng suy thoái rừng, quy định về định vị đa giác; sự gian lận trong thương mại; hiệu quả kiểm soát của các cơ quan có thẩm quyền.

Tác động tích cực của EUDR đối với doanh nghiệp Việt Nam

  • Tạo ra sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp tại thị trường châu Âu
  • Gia tăng lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất bền vững, dành thị phần từ các nhà xuất khẩu khai thác từ các quốc gia được đánh giá có mức độ rủi ro cao. Mức độ rủi ro sẽ được thay đổi.
  • Ngành gỗ và cà phê sẽ chịu tác động lớn từ các quy định của châu Âu. Tuy nhiên, Việt Nam đang thực hiện hiệp định thương mại tự do giữa VN và châu Âu, tạo khung pháp lý cho mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam và EU (VPA/FLEGT), trong đó có quy định pháp lý về phát triển ngành gỗ sẽ trở thành thế mạnh của Việt Nam, giúp các ngành khác như cà phê, cao su, cacao, hạt điều có thể thực hiện theo.

Thách thức đối với các nhà sản xuất tại Việt Nam

  • Khó khăn trong thu thập thông tin tới thửa đất do quy mô sản xuất manh mún và không tập trung; chuỗi cung ứng có nhiều thương lái/chế biến nhỏ tham gia; mức độ truy xuất nguồn gốc kém hiệu quả;
  • Áp lực về các chi phí do các yêu cầu bổ sung của EUDR về truy xuất nguồn gốc và tính hợp pháp;
  • Các nông hộ sản xuất bị hạn chế khả năng tiếp cận thị trường do không sở hữu dữ liệu về thông tin thửa đất và thông tin truy xuất nguồn gốc lô hàng (vốn do doanh nghiệp và tổ chức chứng nhận quản lý);
  • Chưa có thống nhất giữa Châu Âu và Việt Nam về khác biệt trong định nghĩa về rừng, sự phá rừng và sự suy thoái rừng;
  • Cập nhật các quy định pháp lý của Việt Nam (về: ô nhiễm nước và môi trường trong chế biến nông sản, sử dụng hóa chất nông nghiệp độc hại,…) để đáp ứng các yêu cẩu từ EU.

Nguồn tham khảo:

  1. https://www.global-traceability.com/eudr-eu-deforestation-free-regulation/?gclid=Cj0KCQjw7uSkBhDGARIsAMCZNJtqITEBrycg7MX1PZFH-gE01yaiDR74g7WzKcaNm1lv6wV0A7rUleQaAm7tEALw_wcB
  2. https://environment.ec.europa.eu/topics/forests/deforestation/regulation-deforestation-free-products_en
  3. https://www.consilium.europa.eu/en/press/press-releases/2023/05/16/council-adopts-new-rules-to-cut-deforestation-worldwide/
  4. Biodiversity: deforestation-free products on the EU market – 18 November 2021 – #EUGreenDeal
  5. EU Regulation on Deforestation-Free Products – GIZ Initiative for Sustainable Agricultural Supply Chains (INA); Franziska Rau
  6. Quy định về sản phẩm không gây mất rừng, suy thoái rừng của EU (EUDR) và Các chỉ số thực hiện – Trung tâm Phát triển Kinh tế Nông thôn; Nguyễn Thị Lam Giang
  7. National Action Plan for Vietnam Coffee sector to comply with EUDR – Nguyen Do Anh Tuan – Director, International Cooperation Department, MARD